Vĩnh Quyền: Trong vô tận
Quyển tiểu thuyết ngắn với những câu chuyện khó hiểu. Mở đầu người kể chuyện là một thanh niên ở nước ngoài về Việt Nam thăm người cha đang bệnh nặng. Qua chương hai, người kể chuyện đổi sang người cha. Ông tường thuật lại quá khứ và những mối tình của mình. Chương ba trở lại người con rồi chuyển sang chuyện truyện cổ tích Lạc Long Quân và Âu Cơ rồi chuyển sang lịch sử chữ Nôm. Tôi theo không kịp nên đã bị tẩu hỏa nhập ma từ đó nhưng vẫn cố gắng đọc cho xong. Tôi không rõ cách dẫn truyện của tác giả và càng không hiểu ông muốn đạt mục đích gì. Xin đầu hàng. Chắc văn chương của tôi vẫn quá kém nên không hấp thụ hết.
Tuy nhiên, tôi rất thích đoạn tác giả viết về chữ Nôm ở trang 121-122. Xin được chép lại nguyên văn Vĩnh Quyền viết:
Nhưng biểu thị vĩ đại lớn nhất của chữ Nôm là tinh thần Việt, là hạo khí độc lập dân tộc. Từ sau năm 939, khi người Việt thoát ách đô hộ giặc Tàu, chữ Nôm được tôn vinh. Đến thế kỷ 13 đã có dòng văn học chữ Nôm. Và Tây Sơn là triều đại thể hiện đỉnh cao ý thức độc lập văn tự. Trong hai mươi bốn năm cầm quyền, toàn bộ văn kiện dưới triều đại này được soạn thảo và ban hành bằng chữ Nôm.
Nỗi lo tiêu vong văn tự riêng có của dân tộc là có thực. Thứ chữ được cha ông sử dụng gần một nghìn năm, nếu chỉ tính từ 939 đến năm 1920 khi chính quyền thực dân Pháp lệnh buộc dùng chữ quốc ngữ thay thế cho chữ Hán và chữ Nôm vốn là phương tiện ghi chép, truyền tải một khối lượng khổng lồ tư liệu lịch sử, văn học và tri thức của ông cha trên nhiều lĩnh vực. Có thể nói, việc loại chữ Nôm khỏi đời sống là một đứt gãy trong lộ trình truyền đạt liên tục văn hoá Việt. Và tổn thất do việc này gây ra dường như không thấy rõ, bởi những tiện lợi của chữ quốc ngữ che khuất. Nhưng về lâu dài và từ góc nhìn bảo tồn di sản ngôn ngữ thì tổn thất đó là nghiêm trọng. Một thứ văn tự phát triển trên đôi cánh hạo khí độc lập, tồn tại nghìn năm bỗng chốc biến mất, chẳng phải là thảm họa văn hoá của một dân tộc? Con cháu muôn đời sau không đọc được chữ, không đọc được sách của tiền nhân viết ra trong nghìn năm chẳng phải là điều khủng khiếp? Thực tế cho thấy chúng ta chỉ có thể dịch một phần nào rất nhỏ từ gia tài chữ Nôm. Trong khi đó, Triều Tiên và Nhật Bản cũng vận dụng chữ Hán để sáng tạo chữ riêng của mình, nhưng họ đã không phải chịu thất đứt gãy đường văn tự như chúng ta.