Trở Về Với Tuấn Ngọc Trong Giọt Lệ Cho Ngàn Sau – Tình Khúc Từ Công Phụng
I wrote the introduction for this piece in English, but decided to switch to Vietnamese simply because I haven’t written anything in Vietnamese for a while. Besides, I had briefly mentioned the album a few years ago in English and called it a quintessential Vietnamese music. After pouring my heart out on the page, I shared it with Dana. Her immediate question was, “Did you use Google Translate?” She had to edit it to make my Vietnamese sounds more like a human than a software. Mad props go out to her.
Mỗi lúc lái xe giữa đêm khuya trên xa lộ, tôi thường lắng nghe Giọt Lệ Cho Ngàn Sau – Tình Khúc Từ Công Phụng, một tác phẩm để đời của Tuấn Ngọc. Từ chất giọng trầm ấm của Tuấn Ngọc đến lời nhạc gần gũi và sâu lắng của nhạc sĩ Từ Công Phụng, cùng lối hòa âm mềm mại nhưng không thiếu sự lối cuốn của Duy Cường, tôi luôn như ở trong một khoảng không gian khác, bình yên và sảng khoái, như chưa từng có những muộn phiền trong tôi.
Trên đường về thăm ngoại, khi hai mẹ con đã chìm sâu trong giấc ngủ, chỉ còn lại một mình, tôi lại đến với Giọt Lệ Cho Ngàn Sau. Trong bóng tối của màn đêm, tôi trải lòng mình cùng từng lời ca, nốt nhạc. “Giọt nước mắt xót xa/ Nhỏ xuống trái tim khô/ Một đời tôi tê tái,” tôi như cảm nhận được sự cô đơn, hiu quạnh của một người lang thang trong tiết thu lạnh lẽo. Giọng ca Tuấn Ngọc hay. Hay không chỉ ở chỗ anh có thể hát những nốt cao, mà cái hay của giọng ca này còn được tăng lên gấp bội khi anh điêu luyện nối tiếp qua câu kế, “Lắng nghe muôn cung sầu hắt xuống đời,” mà không dừng lại ở “tê tái”. Cách hát nối tiếp này nghe qua thì cho là dể dàng nhưng thể hiện được thì lại rất khó.
Một trong những lối trình bày ca khúc rất riêng của Tuấn Ngọc là hát nửa hay một tông cao hơn bài nhạc đã viết. Trong “Trên Tháng Ngày Đã Qua,” anh hát bốn câu đầu thấp trong tiếng đệm dương cầm êm dịu, nhưng khi lối hòa âm chuyển sang theo kiểu Latin, anh đã hát cao hơn một tông. Đồng thời anh ca chậm hơn nhịp một chút, để mang lại nét lạ cho bài hát. Như trong “Mắt Lệ Cho Người,” một bài hát mà có nhiều ca sĩ đã hát qua, Tuấn Ngọc với nét riêng của mình đã làm bài hát trở nên khác lạ hơn, nổi bật hơn. Khi anh hát “Em thấy không cõi đời vô vọng,” ta như cảm nhận được nỗi muộn phiền như tuyệt vọng của một cuộc tình dang dở. Lối hòa âm bán cổ điển của Duy Cường tạo thêm cảm xúc sâu sắc, nhưng sẽ hoàn hảo hơn nếu đoạn cuối của “Mắt Lệ Cho Người” được kết thúc dứt khoát vào cuối nhịp thay vì là tiếng nhạc nhỏ dần đi đến hết.
Với ca từ lãng mạn cùng với cách diễn tả tự nhiên rất nam tính của Tuấn Ngọc, “Tình Tự Mùa Xuân” trở nên giản dị, ấp ủ yêu thương. “Em, lại đây với anh/ngồi đây với anh/ trong cuộc đời này,” chỉ cần bấy nhiêu thôi cũng đủ diễn tả trọn vẹn một tình yêu sâu đậm. Có lúc hạnh phúc thì cũng có lúc đau thương. Trong “Lời Cuối”, Tuấn Ngọc đã diễn tả trọn vẹn sự nuối tiếc, xót xa cho những kỷ niệm đã qua, “Kỷ niệm nào như muốn khóc…/Nên tôi, xin một lần được trao hết cho nhau.” Anh đã khéo léo khi chọn bài hát này làm bài cuối cùng trong đĩa nhạc, như thể anh đang bùi ngùi gởi đến người nghe lời chia tay tạm biệt, “Đường vào ngày mai sỏi đá/ Thôi em về quên hết đi ngày xưa.”
Nếu tôi có thể lựa chọn 100 dĩa nhạc xuất sắc nhất trong làng âm nhạc Việt Nam, tôi nhất định sẽ chọn Giọt Lệ Cho Ngàn Sau. Trong suốt mười ca khúc, từ lời ca, lối hòa âm cho đến cách thể hiện và diễn tả, mỗi ca khúc là một tác phẩm riêng đặc sắc không bị lập lại hay mờ nhạt. Với tôi đây là một dĩa nhạc vượt thời gian, vì hơn mười năm qua, tôi luôn tìm đến nó mỗi lúc muốn trải mình cùng âm nhạc.