Trò chuyện với Khôi Trần về ký tự Việt

Khôi Trần là sinh viên năm cuối về môn học thiết kế ở trường đại học RMIT Hà Nội. Khôi đang trong quá trình làm dự án cuối cùng về đề tài typography trong nước. Để thiết kế cho tạp chí của mình, Khôi ao ước được phỏng vấn những người thiết kế dùng chữ và những người thiết kế chữ trong cộng đồng người Việt. Trải nghiệm đầu tiên của Khôi về typography Việt là qua Vietnamese Typography. Quyển sách là nguồn cảm hứng cho Khôi chọn dự án của mình. Khôi đã tìm đến tôi để trò chuyện.

Cuộc phỏng vấn dịch sang tiếng Việt

Tại sao các designer nước ngoài lại muốn thêm chữ tiếng Việt khi họ không dính líu gì đến ngôn ngữ này?

Thực sự thì khi chú thực hiện Vietnamese Typography, mục tiêu của chú không phải là các bạn thiết kế chữ. Lí do ban đầu của quyển sách là để nhấn mạnh việc các phông chữ phổ biến khi đó không hỗ trợ tiếng Việt. Dù vậy, sau khi cuốn sách được phát hành thì chú nhận ra là các bạn thiết kế chữ rất có hứng thú với việc thiết kế chữ tiếng Việt để các bộ chữ của họ có thể được sử dụng bởi nhiều người hơn. Để so sánh với các ngôn ngữ châu Á khác thì tiếng Việt sử dụng bảng chữ cái La-tinh thay vì chữ tượng hình. Việc này cho phép các nhà thiết kế có thể thiết kế chữ tiếng Việt mà không cần có hiểu biết về ngôn ngữ Việt; họ chỉ cần hiểu cách hoạt động của các dấu thanh thôi. Quyển sách từ đó đã cho họ kiến thức và sự tự tin cần thiết để thử sức với các ký tự Việt.

Luận án của chú được phát hành lần đầu vào 2015. Sau 9 năm, thị trường thiết kế chữ tại Việt Nam có lẽ đã cải thiện rất nhiều. Chú có cảm thấy quyển sách đã đóng một vai trò lớn không?

Chú thấy rất vui khi ngoài việc các bạn thiết kế ở nước ngoài gửi rất nhiều câu hỏi về kí tự Việt cho chú, những bạn designer trẻ ở Việt Nam cũng tìm hiểu về cuốn sách và coi đây là cơ hội để chính các bạn có thể thiết kế ra một bộ chữ. Giờ đây, chú liên tiếp nhìn thấy những bộ chữ hỗ trợ tiếng Việt nổi lên ở khắp nơi trên thế giới, và chú rất vui khi đã có thể đóng góp một phần nhỏ trong sự thay đổi này.

Có lẽ có khá ít các ghi chép về thiết kế tại Việt Nam. Một lí do lớn trong việc tạo ra quyển tạp chí song ngữ này chính là để thông tin về thiết kế trở nên rộng rãi hơn. Chú đã bao giờ nghĩ đến việc dịch cuốn sách sang tiếng Việt chưa?

Trước tiên, chú cũng đồng ý với việc hiện tại có ít ghi chép về thiết kế tại Việt Nam. Khi chú nghiên cứu cho Vietnamese Typography, chú đã về Việt Nam và tìm các cuốn sách về thiết kế tại Việt Nam và không tìm được gì cả. Cuối cùng thì chú phải dựa vào chính hiểu biết của mình về ngôn ngữ và chữ cái tiếng Việt để có thể hoàn thành luận án của chú. Hơn nữa, có lẽ một điểm trừ trong cuốn sách của chú chính là trong cuốn sách, chú có một danh sách các bộ chữ cỡ nhỏ; không một bộ nào trong danh sách của chú được làm bởi một designer người Việt. Bộ chữ gần nhất với mong muốn của chú có lẽ là Be Vietnam Pro bởi Lâm Bảo, tuy vậy bộ chữ là nguồn mở. Chú muốn hỗ trợ các nhà thiết kế bằng việc mua bản quyền và quảng bá các bộ chữ đó.

Về việc phiên dịch cuốn sách, chú rất thích ý tưởng này, và đã có một bạn thiết kế ngỏ lời trợ giúp trong phần phiên dịch cho chú.

Có lẽ hơi xấu hổ một xíu khi mà các bộ chữ Việt lại không được làm bởi người Việt…

Cũng không hẳn! Các designer này, họ đã thiết kế chữ cả chục năm rồi. Thực sự ngành nghề này vẫn còn rất mới tại Việt Nam, và cần thời gian để phát triển. Chú thực sự không muốn các bạn designer thiết kế ra các bộ chữ trong ngày một ngày hai đâu; một bộ chữ cần đến vài năm để thiết kế và cần rất nhiều sự kiên nhẫn. Ngược lại, có lẽ chú không biết đúng người. Có lẽ chú cũng cần đào sâu hơn và nghiên cứu, tìm tòi về những con người này.

Quá trình thiết kế chữ đòi hỏi phải test rất nhiều. Với những người không biết ngôn ngữ Việt, có lẽ khá khó để test khả năng đọc của bộ chữ; họ không có con mắt tự nhiên để có thể bắt được những lỗi nhỏ này. Liệu họ vượt qua chướng ngại vật này như thế nào?

Chú có thể kể một câu chuyện. Qua thời gian, cuốn sách đã dần trở thành một quyển hướng dẫn cho kí tự Việt, và chú dần nhận được các bộ chữ của các bạn designer trên toàn thế giới để chú có thể nhận xét và đưa ra một số chỉnh sửa. Chú sẽ lướt qua một lượt các dấu thanh, và chỉnh sửa sao cho hợp lý. Đối với người Việt, rất dễ để chúng ta có thể nhìn ra các lỗi nhỏ trong các đoạn văn bản. Một ví dụ chú có thể đưa ra là dấu hỏi; đối với các bộ chữ có chân, chú rất thích dấu hỏi giữ được phần đuôi, một chi tiết mà các bạn designer thường bỏ. Chú luôn đưa ra nhận xét này và các bạn thiết kế rất nhiệt tình trong việc sửa lại bộ chữ.

Bây giờ chú đang làm gì?

Chú vẫn là dân thiết kế web thôi. Sau từng ấy năm thì chú vẫn rất thích thiết kế web và nghệ thuật sắp chữ. Đến tận bây giờ chú vẫn thiết kế, và cũng chỉ có vậy thôi. Đương nhiên chú có các sở thích bên ngoài, như trượt tuyết chẳng hạn, nhưng công việc chính vẫn là thiết kế. Chú rất yêu các trang web và nó giúp chú có thể chia sẻ với rất nhiều người. Cho dù chính trang web cũng đã thay đổi rất nhiều, các con chữ đã giúp chú giữ được sự thích thú qua thời gian.

Liệu chú có lời khuyên nào cho các bạn trẻ muốn thử sức với các con chữ không?

Thiết kế chữ vẫn là một ngành nghề rất mới ở Việt Nam, và chú vẫn luôn thấy các bạn thiết kế tìm tòi khám phá về bộ môn này. Đây chắc chắn là một ngành nghề với rất nhiều sự mới lạ. Lời khuyên của chú có lẽ là hãy nghe theo con tim của mình, kiên nhẫn, và đặt thật nhiều câu hỏi. Cộng đồng thiết kế chữ rất thân thiện; bạn có thể hỏi bất cứ người nào, gửi bộ chữ của mình cho bất cứ ai, và nói chuyện với bất cứ ai!

Đọc bài phỏng vấn bằng tiếng Anh