Lời bạt của cháu Doanh
Khi nhận được tin nhắn của anh Minh chia sẻ những bài viết của dì Chín kể lại những câu chuyện của đại gia đình chúng ta, tôi gạt ngay những gì mình đang làm để chăm chú đọc từng câu từng chữ. Cách viết đối thoại của dì khi đọc cho tôi được cảm giác như đang được dì ngồi bên cạnh kể chuyện cho tôi nghe. Trong các dì cậu, dì Chín và dì Hai có một khiếu kể chuyện hấp dẫn. Có lần tôi được đi Disney World với gia đình dì Hai. Lái xe từ Lancaster, Pennsylvania tới Orlando, Florida mất hơn nửa ngày. Lúc đó chưa có điện thoại di động và cũng chưa thích đọc sách vì tôi chỉ qua Mỹ được vài năm nên không rành tiếng Anh. Cũng may là có dì Hai ngồi kể chuyện nên thời gian trôi qua mau. Dì kể hăng say từng chi tiết về cuộc đời ông bà ngoại cũng như việc làm ăn khó khăn của gia đình vào thời chiến tranh. Tôi ước gì lúc đó được thu âm lại những gì dì đã kể. Nỗi ước ao của tôi giờ đây cũng được hồi đáp khi đọc những bài viết của dì Chín.
Đọc về tiểu sử và cuộc sống của ông bà ngoại và các dì cậu, tôi không những chỉ tự hào mà còn rất được may mắn được chung dòng máu họ Lý. Tôi khâm phục tài năng và sự táo bạo của ông ngoại. Mười bốn tuổi đã dám tự mình rời bỏ quê hương và gia đình đi nơi khác kiếm sống. Từ hai bàn tay trắng, ông đã thực hiện được giấc mơ của mình. Ông mở một tiệm thuốc Bắc, biết bắt mạch, và chế tạo ra thuốc ho. Ông không chỉ là nhà doanh nghiệp (an entrepreneur) mà luôn cả một nhà sáng tạo (an innovator). Tôi kính trọng Ông Ngoại nhưng thương mến Bà Ngoại. Vì gia đình, bà không ngại tính mạng của mình để kiếm sống nuôi nấng con cháu. Chiến tranh đã chiếm đi cuộc sống của bà. Sự hy sinh của bà quá lớn lao.
Dì Hai không chỉ là một người con cả hiếu thảo, mà còn là một chị cả thương yêu các em của mình. Dì là một người giỏi về kinh doanh. Sự thành công của dì từ trong nước ra tới hải ngoại chứng tỏ rằng cho dù ở bất cứ nơi nào trên trái đất này, dì cũng có thể tạo nên sự nghiệp. Dì là một người đầy nghị lực (a hustler). Còn mẹ của tôi thì tôi đã biết quá nhiều, từ tính cách kỹ lưỡng đến tư cách chậm chạp. Còn về tính ghen tuông của mẹ thì tôi có cái nhìn khác dì (và tôi sẽ đi vào chi tiết nhiều hơn ở đoạn dưới).
Dì Năm cũng là một người con luôn sẵn sàng phụ giúp cha mẹ mình trong công việc làm ăn, và dạy dỗ các em trong việc học. Ngoài ra dì người học nhanh và còn khéo tay về nghệ thuật trang sức. Cậu Sáu là người con trai duy nhất trong gia đình. Về học vấn thì cậu Sáu rất giỏi. Tuổi thơ của cậu cho tôi nhớ lại thời thơ ấu của mình với những trò chơi như đá dế và đá banh. Còn trò “Siêu xe bù rầy” thì tôi không hề biết và phải nhờ đến YouTube mới thấy được một trò chơi dân gian thú vị. Tôi ước gì trẻ con bây giờ dùng đôi tay mình tạo nên trò chơi chứ không chỉ bấm games.
Dì Tám đúng là vị cứu tinh của gia đình. Tôi có được ngày hôm nay nhờ công lao của dì. Là người đến trước, dì đã lần lượt giúp đỡ và bảo lãnh anh chị em và các cháu đến bến bờ tự do. Và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, tôi kính nể trí nhớ của dì Chín. Những câu chuyện đã xảy ra hơn 60 năm, mà dì vẫn nhớ từng rõ chi tiết một, và dì đã viết lại rất chân thật theo những gì dì đã sống và đã từng chứng kiến. Tuy nhiên, sự thật đôi lúc phũ phàng hoặc đau lòng, nên hy vọng những gì dì chia sẻ, chúng ta đọc để rút kinh nghiệm.
Khi viết lời bạt này, tôi muốn được chia sẻ những cảm nhận của mình về những bài viết của dì Chín. Như đã nói trên, tôi có cái nhìn khác với dì về tính ghen tuông của mẹ tôi. Không phải tôi đúng hoặc dì sai, hay tôi sai hoặc dì đúng, mà chỉ là hai khía cạnh khác nhau. Tôi không biết gì về chuyện chồng trước của bà, vì Mẹ chưa bao giờ nhắc đến ông. Trong thâm tâm Mẹ, ông không còn tồn tại. Dì cho rằng lý do hai người ly dị là vì ông thường đi xa, còn Mẹ thì ghen tuông nên Mẹ đòi hỏi ông đưa tiền nuôi con. Ông không đưa, hai người cãi nhau, rồi đi đến chia tay.
Theo tôi thì Mẹ không phải là một người đàn bà ghen tuông. Kêu gọi người chồng đưa tiền nuôi con là chuyện đáng lý ra không cần phải mở miệng. Trách nhiệm của một người cha là phải lo lắng cho con cái mà không cần phải nhắc nhở. Chắc số phận mẹ đã định nên không thể nào trốn tránh được. Khi lập gia đình với ba tôi cũng thế. Ông đi làm xa có khi cả tháng mới về được hai ba ngày rồi đi tiếp. Khi Mẹ hỏi đến tiền nuôi con thì ông không có, vì ông chỉ đi xây chùa và làm từ thiện. Mẹ phải bán vàng dành dụm sống cho đến ngày đi Mỹ.
Những ngày tháng sống trên xứ lạ quê người, Mẹ một mình nuôi nấng con cái. Mẹ buồn và trách móc Ba đã không lo lắng cho vợ con, nhưng Mẹ không hề ghen tuông. Cho dù Mẹ biết Ba ở Việt Nam lăng nhăng với người đàn bà khác, Mẹ vẫn không hề quan tâm. Ba mươi mấy năm sống cô lập, Mẹ đã không cần đến sự giúp đỡ về tài chính hoặc sự hiện diện của một người đàn ông nào cả. Có vài lần tôi cũng hỏi Mẹ có nhớ ông không hay có ghen tuông gì không, Mẹ lắc đầu đáp, “Có thời giờ đâu mà nhớ mà ghen”. Dĩ nhiên thời gian của Mẹ chỉ quanh quẩn trong nhà bếp từ sáng sớm đến đêm khuya.
Tôi luôn nhớ và kính phục sự mạnh mẽ đó của Mẹ cho nên tôi không hề nghĩ rằng Mẹ là người biết ghen. Có thương mới có ghen. Nếu như Mẹ có ghen có lẽ Mẹ đã tìm cách giữ được Ba bên cạnh. Một là Mẹ trở về Việt Nam sống với Ba. Hai là Mẹ ép buộc Ba ở lại Mỹ. Nhưng Mẹ đã không làm hai việc đó. Mẹ cho Ba quyền tự do. Sau nhiều năm vất vả làm giấy tờ, cuối cùng Ba đã sang Mỹ đoàn tụ cùng vợ con, nhưng chỉ ba tháng sau Ba đã muốn trở về lại Việt Nam. Mẹ đã không ngần ngại mua vé máy bay cho Ba về, cho dù biết rằng Ba đi sẽ không còn cơ hội quay lại Mỹ.
Tuy tôi không mạnh mẽ như Mẹ nhưng Mẹ đã dạy cho tôi một bài học rất quý báu trong tình cảm và hôn nhân: không thể nào giữ lại người muốn ra đi. Trước khi lập gia đình, tôi cũng đã trải qua những cuộc tình và rồi “từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”. Tuy buồn nhưng tôi đã chấp nhận để họ ra đi mà không hề giữ lại. Giờ đây tôi cũng tìm được hạnh phúc. Tôi vẫn giữ bản tính của mình. Khi đã yêu và đã chấp nhận cùng nhau đi trên đường đời, và tôi sẽ không bao giờ “buông tay âm thầm tìm về cô đơn.” Tuy nhiên, tôi vẫn sẽ không giữ lại nếu người tôi yêu muốn ra đi. Tôi sẽ chấp nhận như Mẹ tôi đã từng chấp nhận. Giữa người ở lại chứ không bao giờ giữ người muốn ra đi, cho dù có yêu đến cuồng dại.
Về việc học, tôi có quan điểm khác dì.Việc học ở thời điểm nào cũng quan trọng, nhưng chắc nó đặc nặng ở thế hệ dì hơn là thế hệ tôi. Thú thật lúc còn học trung học và đại học, tôi rất ghét học. Lúc đó tiếng Anh không rành và học cũng rất dở. Đi học mà như đi tù. Nhất là bốn năm đại học, tôi đếm lịch từng ngày chỉ muốn để lấy cái bằng trong tay. Thế thì tại sao tôi vẫn theo đuổi học mà không bỏ? Lý do đơn giản là tôi không muốn Mẹ bị thất vọng. Anh Minh và chị Hoa Nhỏ con dì Hai điều có bằng đại học. Nhơn và Tâm con dì Năm cũng có bằng đại học. Chẳng lẽ con bà Tư lại không có? Tôi cũng muốn Mẹ tự hào về tôi và đó là động lực để tôi học lì chứ không phải học giỏi. Tôi lấy bằng bốn năm với số điểm trung bình rồi tập trung vào tìm việc làm. Cũng may là tôi có một chút năng khiếu về thiết kế nên tôi đã theo nghề thiết kế websites.
Sao này tôi thật sự thích học khi được nhận vào chương trình thạc sĩ về ngành thiết kế đồ hoạ. Tôi chăm chỉ học, cho dù rất bận rộn với công việc làm và gia đình, nên GPA gần 4.0. Với bằng thạc sĩ trong tay, tôi được thăng chất lên làm tổng giám đốc (Director of Design and Web Services). Tuy nhiên vẫn phải làm dưới tay biết bao nhiêu người. May mắn thì gặp sếp giỏi và dễ dãi (như bây giờ). Xui thì gặp sếp bất tài còn khó khăn. Tôi đã từng trải và thời gian đó đối với tôi rất căng thẳng.
Ngược lại giờ đây, Duy, con cậu Sáu, tự làm chủ cho chính mình và rất thành công. Xem xét lại thì Duy giống ông nội mình. Cả hai đều tự làm chủ chứ không đi làm công như tôi. Cho dù đã cố gắng gầy dựng sự nghiệp để tự mình làm chủ nhưng tôi không có được đầu óc thương mại như ông Ngoại và dì Hai nên đành phải tiếp tục làm công cho người khác. Giờ đây Duy cũng đã có việc làm ổn định và sống hạnh phúc bên người vợ hoạt bát cùng hai cô con gái dễ thương. Chỉ còn mong mỏi thêm một công tử để tiếp nối dòng dõi nhà họ Lý theo ý muốn của ông Nội.
Trở lại những bài viết của dì Chín. Vì những câu chuyện của dì rất có ý nghĩa với tôi, và sẽ còn có giá trị cho con cháu về sau, nếu chúng nó muốn tìm hiểu về cội nguồn của chúng nó, nên tôi muốn đóng góp vào một phần nhỏ. Tôi xin phép dì cho tôi biên tập lại những bài viết của dì và làm thành một quyển sách để những câu chuyện sẽ luôn tồn tại. Và tôi rất vui mừng khi dì đã cho phép tôi sử dụng những bài viết của dì.
Tôi không phải là nhà văn cũng không phải là người rành về chữ nghĩa, nhưng tôi rất mê viết và đọc. Hằng ngày tôi vẫn luôn tập luyện viết tiếng Anh và tiếng Việt trên trang blog cá nhân của mình. Đây là lần đầu tiên tôi làm vai trò của người biên tập (editor). Tôi chỉ sửa lại một ít chính tả và nối kết lại những câu để đọc trôi chảy hơn. Lúc đầu chỉ có tiếng Việt thôi, nhưng sau này dì Chín đã viết thêm tiếng Anh. Tuy đã bỏ gần một tháng thức khuya mỗi đêm để biên soạn, nhưng vẫn còn nhiều thiếu sót. Nếu ai trong đại gia đình đọc thấy gì sai, xin cho tôi hay.
Còn về phần thiết kế sách, tôi là người thiết kế websites, nên làm một quyển sách trên mạng chứ không in giấy. Đơn giản là dùng web để dễ dàng chia sẻ đến đại gia đình khắp nơi. Khi còn học chương trình thạc sĩ, tôi dùng bài luận án của mình về đề tài Vietnamese Typography (Nghệ thuật chữ Việt) để làm thử nghiệm. Mục đích của tôi là viết một cuốn sách để giúp những nhà thiết kế chữ trên thế thới tạo ra dấu tiếng Việt cho đúng, rõ, và dễ đọc. Tôi đã bỏ ra rất nhiều thời gian để nghiên cứu về nguồn gốc chữ Việt, và học hỏi thêm về tiếng Việt để tạo thành một quyển sách cho luận án của mình. Sau khi nộp sách và nhận được điểm A+, tôi in sách bán đồng thời thiết kế một trang nhà cho quyển sách của mình. Sách in bán chỉ được mấy mươi quyển. Còn sách trên mạng thì được cả ngàn người truy cập mỗi ngày. Nhờ sách trên web mà nhiều nhà thiết kế chữ trên thế giới đã đọc và tìm đến tôi để cùng hợp tác với họ mỗi khi họ phát hành một bộ phông mới. Tôi tự hào góp phần nho nhỏ vào việc làm cho chữ Việt thêm phong phú hơn.
Qua sự thành công của Vietnamese Typography và khả năng của sách web đem đến cho nhiều người, tôi quyết định làm quyển sách này trên mạng chứ không trên giấy. Hơn nữa một quyển sách về gia đình sẽ còn tiếp diễn chứ không dừng lại ở đây. Sau này có ai trong đại gia đình muốn đóng góp hoặc bổ sung thêm cũng dễ dàng. Ngược lại, một khi đã in ra sách rồi thì không thể sửa chữa được mà phải in lại sách mới. Tôi muốn quyển sách này tiếp tục sống.
Đồng thời qua quyển sách này tôi muốn lưu giữ lý lịch của ông bà và dì cậu như tên trên giấy tờ, tuổi tác, ngày-tháng-năm sinh, và ngày-tháng-năm mất (cho những người đã rời xa chúng ta). Xin cám ơn những thành viên trong gia đình đã gửi hình ảnh và những tài liệu cho quyển sách này. Cám ơn anh Minh đã động viên dì Chín để viết. Và một lần nữa, xin cám ơn từ đáy lòng đến dì Chín về những câu chuyện quý báo này.